.

 photo hh_zpse4e92770.gif

BÀI VĂN CỦA NGƯỜI TU SĨ


Đó là điều rất tuyệt vời đấy các bạn đồng tu ạ ! Này nhé, chúng ta thử đi từ mở bài là lúc chúng ta sinh ra, nhân duyên vào chùa, thân bài là quá trình ta sống và tu tập và rồi kết bài là đúc kết lại những gì ta có trong suốt cuộc hành trình tu tập của mình, thế là ta đã được một bài văn hoàn chỉnh của một người tu sĩ rồi đó.
Tuy nhiên, sẽ không có bài văn nào giống bài văn nào, ngay từ cái mở bài đã vậy rồi . Có người sinh ra trong một gia đình giàu có, lúc vừa mới mở mắt chào đời, đặt bút viết chữ đầu tiên lên trang giấy trắng mang tên cuộc đời, là đã có tất cả, từ tiền bạc, niềm vui cho đến cả sự thông minh, và hạnh phúc khi gặp được bậc Minh Sư hướng dẫn trên đường đạo. Cũng có người sẽ không được may mắn như vậy, họ phải sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ký tự đầu tiên mà họ viết thì đúng là buồn thật : Con nhà nghèo ! không may mắn, vào chùa gặp bao chướng duyên v..v
           Thật vậy, chỉ mới mở bài thôi mà đã hấp dẫn như thế rồi. Vậy thì tại sao chúng ta không thử viết thân bài nhỉ ?
           Đừng nên chưa gì đã chán nản với cái mở bài của mình như thế ,vì thành thật mà nói, mở bài đâu phải do ta quyết định, đâu có ai biết được mình sẽ sinh ra ở đâu, phải không nào ? Nó phụ thuộc vào nghiệp duyên của ta từ quá khứ nữa. Nhưng chúng ta cứ yên tâm, bởi đó mới chỉ là mở bài mà thôi, cùng lắm là được 2/10 điểm chứ gì. Nghĩa là nó chỉ quyết định 20% cuộc đời tu hành của mỗi người mà thôi. Dù chúng ta xuất thân từ hoàn cảnh nào, nhân duyên xuất gia ra sao, nhưng trong quá trình tu học chúng ta sẽ gặt hái được kết quả của ta gieo được. Một người tuy xuất thân không may mắn, nhưng trong sự tu tập thực chứng của họ thì các vị ấy trở thành những bậc Minh Sư đạo cao đức trọng được mọi người kính mến, là rường cột trong Phật Pháp. Cũng như một người giàu có nhưng lại tán gia bại sản, hoặc là từ một người bán ve chai bỗng nhiên trở thành tỉ phú rồi sao ? Đó chủ yếu là nhờ cách mà họ đã viết thân bài như thế nào thôi . Đúng vậy! Thân bài quan trọng lắm nha . Vì nó do ta viết, không ai có thể thay thế được. Những từ, những câu là do suy nghĩ của chúng ta. Ta sẽ viết nên một cái thân bài hoàn hảo nếu ta thực sự là một người “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, người biết trận trọng những gì mình đang có và quan trọng hơn cả là ta biết sống vì mọi người, và đừng bao giờ hài lòng với bản thân mình vì như một quy luật của tự nhiên, ta luôn có thể làm tốt hơn thế nữa. Các bạn đồng tu đồng ý chứ ? Các bạn có đang viết hay định viết những gì chưa vậy ? Ồ ! Nếu chưa thì hãy bắt đầu viết đi nhé. Mà này, cuộc đời không bình lặng như ta nghĩ, đời tu sĩ cũng như thế. Bạn hãy cho vài chuyện sóng gió vào, những chướng duyên trong cuộc sống thiền môn hay vài rắc rối nho nhỏ với chư huynh đệ , và sau cùng là ta giải quyết sạch nó một cách gọn gàng trong pháp lục hòa cộng trụ.
           Nhưng những ý nói trên có lẽ khó xảy ra, bởi vì ai mà hoàn hảo như thế được, con người vốn không hoàn hảo mà nhưng chúng ta là một tu sĩ chúng ta làm được những gì mà người thế tục không làm được. Có thể trong trang giấy của mình sẽ phải xuất hiện những vết đen, là lúc ta lầm lỗi, thì ta phải làm sao cho người khác khi nhìn vào chỉ thất những trang chữ thật đẹp chứ không để ý gì đến vết đen ấy. Cái đó khó phải không bạn? Phạm lỗi thì dễ chứ sữa lỗi thì chẳng mấy ai sửa được đâu. Nhưng mình phải tự tin mình làm được . Thế đấy, chúng ta có thể thả hồn vào trong thân bài, cũng như là sống thật với bản thân trong cuộc sống tu hành của mình, nhưng hãy nhớ, trang giấy trắng sẽ rất xấu nếu xuất hiện vệt đen đấy những lỗi lầm khó quên.
           Sau hai tiếng đồng hồ ngồi cặm cụi viết thân bài, sau vài chục năm sống trên đời chúng ta có thể kết lại rồi đấy. Bài văn của chúng ta sẽ không ra gì nếu thiếu kết bài. Chúng ta hãy xem chúng ta đã làm được gì suốt thời gian tu tập, nhìn lại một lần để tự hào hay che mặt lại vì xấu hổ đây ? Vì “Tán tâm tạp thoại, tín thí nan tiêu”. Tất cả tùy thuộc vào chúng ta đã viết gì ở thân bài, hành động ra sao trong những ngày mình tu tập. Vì thế, chúng ta hãy cố viết một thân bài thật hay nhé. Và rồi, chúng ta chấm hết bài văn một cách an lạc đầy hương vị giải thoát, hay nói cách khác là chúng ta để lương tâm ta chấm điểm và hãy tin rằng, chúng ta chắc chắn được điểm 10. Đơn giản là vì chúng ta đã viết một bài văn thật hoàn hảo trong cuộc sống tu học của đời mình.
                                                            Thích Nữ Trúc Trí